Thiết kế và chế tạo HMS_New_Zealand_(1911)

Thiết kế

Lớp tàu chiến-tuần dương Indefatigable không phải là một sự cải tiến đáng kể so với lớp Invincible dẫn trước; khác biệt chủ yếu là thiết kế được mở rộng cho phép các tháp pháo bên mạn có được góc bắn rộng hơn. Các con tàu này nhỏ hơn và không được bảo vệ tốt như chiếc tàu chiến-tuần dương Đức đương thời Von der Tann và các thiết kế Đức tiếp theo. Trong khi đặc tính của Von der Tann đã không được biết đến khi chiếc dẫn đầu của lớp Indefatigable được đặt lườn vào tháng 2 năm 1909, Hải quân Hoàng gia đã có được thông tin chính xác về con tàu Đức khi công việc chế tạo New Zealand và con tàu chị em Australia được bắt đầu.[2]

Sơ đồ mạn phải và sàn tàu của lớp tàu chiến-tuần dương Indefatigable như được mô tả trong Niên giám Hải quân Brassey 1923.

New Zealand có chiều dài chung 590 foot (179,8 m), mạn thuyền rộng 80 foot (24,4 m) và độ sâu của mớn nước 29 foot 9 inch (9,1 m) là khi chất đầy tải. Nó có trọng lượng choán nước tiêu chuẩn là 18.500 tấn Anh (18.800 t), và lên đến 22.130 tấn Anh (22.490 t) khi chất đầy tải.[3] Các turbine hơi nước Parsons dẫn động trực tiếp của chiếc tàu chiến-tuần dương được thiết kế để sản sinh công suất 44.000 mã lực càng (33.000 kW), giúp con tàu đạt đến vận tốc 25 hải lý trên giờ (46 km/h; 29 mph). Tuy nhiên, khi tiến hành chạy thử máy vào năm 1912, các turbine đã đạt đến công suất 49.000 shp (37.000 kW), cho phép New Zealand di chuyển với vận tốc 26,39 hải lý trên giờ (48,87 km/h; 30,37 mph). Con tàu mang theo khoảng 3.200 tấn Anh (3.300 t) than và thêm 850 tấn Anh (860 t) dầu đốt, vốn được phun vào than để gia tăng tốc độ đốt.[4] Điều này đã giúp nó có tầm hoạt động 6.690 hải lý (12.390 km; 7.700 dặm) ở tốc độ đường trường 10 hải lý trên giờ (19 km/h; 12 mph).[1]

New Zealand mang theo tám khẩu pháo BL 12 in (300 mm) Mark X đặt trên bốn tháp pháo nòng đôi BVIII* vận hành bằng thủy lực. Hai tháp pháo tận cùng phía trước và phía sau được bố trí trên trục dọc và được đặt tên lần lượt là 'A' và 'X'. Hai tháp pháo bên mạn 'P' và 'Q' được đặt so le giữa tàu theo hình thang giữa các ống khói, tháp pháo 'P' bên mạn trái và thường hướng ra trước trong khi tháp pháo 'Q' bên mạn phải và thường hướng ra sau; khả năng bắn chéo qua mạn có một số giới hạn. Dàn pháo hạng hai của chúng bao gồm mười sáu khẩu BL 4 in (100 mm) Mk VII được đặt trên cấu trúc thượng tầng.[5] Nó cũng được trang bị hai ống phóng ngư lôi ngầm 17,7 inch (450 mm) hai bên mạn, phía sau tháp pháo 'X', và mang theo 12 quả ngư lôi.[6]

Tháp pháo 'A' của New Zealand được trang bị một máy đo tầm xa 9 foot (2,7 m) phía sau nóc tháp pháo, và nó cũng được trang bị để kiểm soát toàn bộ dàn pháo chính dự phòng trường hợp các vị trí kiểm soát hỏa lực thông thường bị hư hại hay sự liên lạc bị gián đoạn.[7]

Các cải biến trong thời chiến

Vào tháng 3 năm 1915, một khẩu QF 3 inch 20 cwt[Ghi chú 1] phòng không trên bệ góc cao được trang bị.[8] Nó có khả năng hạ đến 10° và nâng tối đa lên đến 90°. Nó bắn ra đạn pháo nặng 12,5 pound (5,7 kg) với lưu tốc đầu đạn 2.500 ft/s (760 m/s) và tốc độ 12–14 viên mỗi phút. Trần bắn hiệu quả của kiểu pháo này là 23.500 ft (7.163 m);[9] nó được cung cấp 500 quả đạn.[8]

Tất cả các khẩu pháo 4 inch được đặt trong các tháp pháo ụ và được che chắn trong một đợt tái trang bị vào tháng 11 năm 1915 để bảo vệ khẩu đội khỏi thời tiết và hoạt động của đối phương, mặc dù hai khẩu tận cùng phía đuôi được tháo dỡ vào lúc đó.[8] New Zealand mang theo một khẩu QF 6 pounder Hotchkiss phòng không duy nhất trên bệ MkIc góc cao từ tháng 10 năm 1914 đến cuối năm 1915.[10] Nó có khả năng hạ đến 8° và nâng tối đa lên đến 60°. Nó bắn ra đạn pháo nặng 6 pound (2,7 kg) với lưu tốc đầu đạn 1.765 ft/s (538 m/s) và tốc độ bắn 20 viên mỗi phút. Trần bắn tối đa là 10.000 ft (3.000 m), nhưng tầm bắn hiệu quả chỉ đạt 1.200 thước Anh (1.100 m).[11]

New Zealand được nâng cấp một bộ kiểm soát hỏa lực trong giai đoạn từ giữa năm 1915 đến tháng 5 năm 1916; tập trung việc điều khiển dàn pháo chính vào tay sĩ quan chỉ huy hỏa lực, giờ đây sẽ khai hỏa các khẩu pháo. Các pháo thủ tại tháp pháo chỉ cần làm theo các chỉ dẫn về góc nâng và góc xoay bằng con trỏ để hướng khẩu pháo đến mục tiêu. Điều này giúp cải thiện đáng kể độ chính xác nhờ hạn chế ảnh hưởng của sự chòng chành con tàu trên sự phân tán của đạn pháo bắn rời rạc; ngoài ra sĩ quan chỉ huy cũng dễ dàng trinh sát điểm rơi của đạn pháo.[12] Một lớp giáp dày 1 inch được bổ sung cho mép hầm đạn và nóc tháp pháo sau Trận Jutland.[13]

Đến năm 1918, New Zealand mang theo hai thủy phi cơ trên các bệ phóng đặt trên nóc các tháp pháo ‘P’ và ‘Q’.[8] Chúng gồm một chiếc Sopwith Pup dự định để bắn rơi các khí cầu đối phương, và một chiếc Sopwith 1½ Strutter sử dụng vào việc trinh sát.[14] Mỗi bệ phóng được trang bị kho chứa bằng vải bạt để bảo vệ máy bay khi thời tiết xấu.[15]

Sở hữu và chế tạo

Vào đầu thế kỷ 20, Bộ Hải quân Anh vẫn duy trì một khả năng phòng thủ hải quân khắp Đế chế Anh, bao gồm cả các thuộc địa, vốn được thống nhất bên trong Hải quân Hoàng gia.[16] Quan điểm tập quyền trong vấn đề này trở nên mềm dẻo hơn trong thập niên đầu tiên, và vào Hội nghị Đế chế 1909, Bộ Hải quân đề nghị thành lập các Đơn vị Hạm đội Bản xứ: lực lượng bao gồm một tàu chiến-tuần dương, ba tàu tuần dương hạng nhẹ, sáu tàu khu trục và ba tàu ngầm.[17] Trong khi AustraliaCanada được thuyết phục để sở hữu một đơn vị hạm đội nhằm phục vụ như là hạt nhân của một hải quân quốc gia mới, các đơn vị hạm đội khác sẽ được Hải quân Hoàng gia sử dụng tại các căn cứ cách xa chính quốc, đặc biệt là tại Viễn Đông. New Zealand được kêu gọi để đóng góp một phần một đơn vị hạm đội dành cho Trạm Trung Quốc.[18]

Nhằm mục đích này, Thủ tướng New Zealand, Sir Joseph Ward, công bố vào ngày 22 tháng 3 năm 1909 là nước ông sẽ đài thọ việc chế tạo một thiết giáp hạm để làm gương cho các nước khác, mặc dù sau này được đổi thành một tàu chiến-tuần dương thuộc lớp Indefatigable.[19] Vẫn không rõ là tại sao thiết kế này lại được chọn khi người ta đã biết là nó yếu kém hơn so với những tàu chiến-tuần dương đang được đưa ra hoạt động cùng Hải quân Đế quốc Đức. Có ý kiến cho rằng yêu cầu này là do thực hành của Hải quân Hoàng gia sử dụng các thiết giáp hạm nhỏ và tàu tuần dương lớn làm soái hạm cho các trạm ở cách xa Anh Quốc, hoặc ảnh hưởng bởi sự ưa chuộng tàu chiến-tuần dương của Thứ trưởng Hải quân, Thủy sư Đô đốc John Fisher, một quan điểm ít được người khác tán đồng.[20]

New Zealand được đặt lườn tại xưởng tàu của hãng Fairfield Shipbuilding and EngineeringClyde vào ngày 20 tháng 6 năm 1910. Nó được hạ thủy vào ngày 1 tháng 7 năm 1911 vả được đưa ra hoạt động cùng Hải quân Hoàng gia bốn ngày trước khi nó hoàn tất, vào ngày 23 tháng 11 năm 1912.[21][22]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: HMS_New_Zealand_(1911) http://www.awm.gov.au/histories/first_world_war/vo... http://www.navy.gov.au/w/images/PIAMA19.pdf http://www.navyhistory.org.au/admiral-sir-lionel-h... http://www.navweaps.com/Weapons/WNBR_3-45_mk1.htm http://www.navweaps.com/Weapons/WNBR_6pounder_m1.h... http://www.statoids.com/unz.html http://www.navymuseum.mil.nz/history/time/interwar... http://www.nzhistory.net.nz/media/photo/hms-new-ze... http://www.gwpda.org/naval/opzz.htm http://www.nzetc.org/tm/scholarly/tei-WH2Navy-a7.h...